Tuesday, July 6, 2010

Thế hệ im lặng

Đây là bài viết được viết theo dạng thửa nhưng cuối cùng không được đăng, có lẽ do bút còn quá cùn, không có gì đặc sắc. Hôm nay muốn đăng lại trên blog cá nhân cùng với tin về một cậu bé 13 tuổi bán chanh kiếm tiền cho chị đi thi Đại Học. Nhìn bức ảnh của cậu bé khá gày gò, ốm nhách, đen thui, cười hiền lành và cũng im lặng … thấy rất phục.



Cứ khoảng 4h sáng, khi mọi người vẫn chìm trong giấc ngủ thì Thức đã lần mò tới các chợ rau quả đầu mối lấy hàng, sau đó đi bán dạo khắp nơi. Nếu may mắn bán hết hàng, mỗi ngày em lãi được khoảng 30.000 đồng. “Tất cả số tiền kiếm được em  tiêu dùng tiết kiệm, để dành vào năm học thì đóng học phí. Còn hè năm nay, kiếm được bao nhiêu, em chi tiêu hết vào các chi phí cho chị gái em đi thi”. Khuôn mặt em gầy, sạm đi vì nắng gió nhưng đôi mắt khi nào cũng ánh lên vẻ tự hào khi nói về chị gái đi thi ĐH.


————————————————


Thế hệ im lặng : lời giải cho khủng hoảng kinh tế?


Chúng tôi tạm gọi những cô bé, cậu bé này là thế hệ im lặng bởi cách mà họ tiêu tiền rất đặc biệt. Đó là những cô bé, cậu bé chỉ cần rơm rớm nước mắt, chỉ tay là bố mẹ sẵn sàng mua cho những bộ đồ chơi Lego hay những chú gấu bông Steiff ở trung tâm thành phố HCM với số tiền bằng cả 1-2 tháng lương của công chức nhà nước. Đó là những người trẻ sẵn sàng đặt hàng qua mạng để mua về những chiếc iPhone, iPad mới nhất có giá trị cả gần 1000 USD chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Trong nghiên cứu mới nhất của PriceWaterHouseCoopers (PCW), nước Mỹ đã hy vọng rằng chính thế hệ trẻ tại Mỹ với thói quen mua sắm có phần quá đà sẽ là lời giải cho khủng hoảng kinh tế sau khi đưa ra các gói kích cầu. Tạp chí Forbes cũng chỉ ra rằng có tới gần 80% giới trẻ Trung Quốc đã từng thực hiện việc mua sắm trực tuyến. Với lượng dân số trẻ khổng lồ tại các thành phố, nền kinh tế của Mỹ, Trung Quốc và cả Việt Nam chắc chắn sẽ biến đổi nhiều nhờ thế lực tiêu dùng mới này.


Làng giờ đây cũng không còn nằm trong đơn vị hành chính chính thống nữa mà đã được biến đổi thành thôn, xóm và to hơn là xã. Lũy tre làng đã biến mất, đời sống kinh tế khá hơn, nhà nhà có TV, xóm xóm có Internet. Đô thị hóa đã lấn sâu vào trong tiềm thức của người dân vùng quê bắt đầu từ những bộ phim quen thuộc trên màn hình mỗi tối cho tới suy nghĩ của những người dân bắt đầu học cách làm giàu để không phải cúi mặt xuống đất, ngửa lưng lên trời mà cày cấy thêm nữa.


Chiến tranh qua đi đã rất lâu, kinh tế phát triển, giao thông thuận lợi khiến cho làng xóm biến thành tiểu đô thị, đô thị dần biến thành các đại đô thị, các thành phố lớn (metro-city). Trẻ con lớn lên được chiều chuộng về mặt vật chất vô cùng đầy đủ. Bố mẹ của chúng đa phần là những người có tuổi thơ sống trong khó khăn của thời chiến tranh và hậu chiến tranh (sinh vào những năm 1970-1980) nên việc chăm sóc cho con cái của mình (sinh vào những năm 1990-2000) một cách đầy đủ để bù đắp cho thế hệ thiếu hụt của mình cũng là chuyện dễ hiểu. Không chỉ là chăm sóc, hình ảnh một đứa con đầy đủ cũng phản chiếu hình ảnh về ông bố bà mẹ thành đạt trước mắt xã hội và những người thân, bạn bè của họ.


Những người khó khăn vẫn còn rất nhiều ở khắp mọi nơi nhưng những người vượt qua khó khăn để có một cuộc sống kinh tế đầy đủ hơn cũng nhiều không kém. Nếu bạn không tin, hãy thử tra bất cứ giá của một căn hộ chung cư nào ở thành phố lớn và so với sản lượng ngô, thóc một người nông dân làm ra một năm, bạn sẽ thấy mức độ chênh lệch khủng khiếp tới cỡ nào. Niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc sẽ giúp nền kinh tế vượt qua khủng hoảng không hề thiếu cơ sở một chút nào.


Tuy vậy, thế hệ im lặng tuy không nói gì nhiều nhưng cũng đặt ra cho chúng ta những câu hỏi không dễ trả lời thông qua cách tiêu dùng của họ. Liệu có phải bởi vì bố mẹ ít có thời gian chăm sóc con cái hơn, ít có thời gian để chơi với con cái hơn nên đã cố gắng bù đắp những khoảng thời gian này bằng những món quà đắt tiền cho con trẻ? Liệu sự đô thị hóa không thể chối bỏ của làng xã đã ít nhiều làm phai nhạt đi những tình cảm lá rách ít đùm lá rách nhiều xưa nay? Liệu một đứa trẻ ôm gấu bông Steiff, Teddy Bear có hạnh phúc hơn những đứa trẻ ngày nào nhảy dây, chơi ô ăn quan hay không? Liệu sự cố gắng để cung cấp cho con cái những điều kiện vật chất quá mức cần thiết có làm mất đi sự tôn trọng đồng tiền của con trẻ hay không?


Mỗi thế hệ đều có những lý do riêng của mình để thể hiện cuộc sống của mình theo những cách khác nhau. Sẽ rất vô lý khi có điều kiện kinh tế mà lại không chăm sóc con cái của mình đầy đủ. Thế nhưng, sự đầy đủ về tâm hồn, về tình thương luôn luôn có ý nghĩa và bền lâu hơn rất nhiều so với sự đầy đủ về vật chất. Còn quá sớm để nói rằng chúng ta không cần phòng bị cho các cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới nhưng cũng không phải quá muộn để nói rằng chúng ta cần phải phòng bị cho các cuộc khủng hoảng nho nhỏ về nhận thức giữa vật chất và tình thương bên trong mỗi một đứa trẻ và cả những ông bố bà mẹ trẻ có điều kiện đầy đủ. Một bữa ăn tối dù đạm bạc nhưng đông đủ gia đình vẫn sẽ ngon hơn rất nhiều so với những đơn đặt pizza, mỳ ống trên mạng trong im lặng, có phải không? ./.


Zus


Tham khảo :


http://www.pwc.com/us/en/retail-consumer/publications/the-new-consumer-behavior-paradigm.jhtml


http://www.forbes.com/2008/06/24/internet-retail-sales-oped-cx_sr_0625china.html




Xem đầy đủ bài viết tại http://feedproxy.google.com/~r/randombuzz/~3/33JxiIUFlbI/

No comments:

Post a Comment

Popular Posts