Nghệ thuật nhiếp ảnh phản ảnh hiện thực cuộc sống một cách chân thực nhất như vốn có của nó nhưng đẹp hơn, sinh động hơn và quyến rũ hơn cái hiện thực mà ta nhìn thấy.
>> Kiến thức nhiếp ảnh: Bố cục tạo hình trong ảnh
>> Kiến thức nhiếp ảnh: Tạo hình của ánh sáng và màu sắc
>> Kiến thức nhiếp ảnh: Sự cân bằng màu sắc
>> Kiến thức nhiếp ảnh: Khái niệm về màu sắc
>> Kinh nghiệm chụp thiên nhiên dưới góc ảnh macro
Nhiếp ảnh phản ánh hiện thực khách quan
Văn học nghệ thuật nói chung, nhiếp ảnh nói riêng đều phản ảnh cuộc sống xã hội, con người. Nhưng mỗi bộ môn có cách phản ảnh hiện thực riêng của nó. Văn học phản ảnh hiện thực qua hình thức hư cấu, nghệ thuật sân khấu, đặc biệt sân khấu tuồng, chèo, cải lương phản ảnh hiện thực qua hình thức ước lệ… Nghệ thuật nhiếp ảnh phản ảnh hiện thực cuộc sống một cách chân thực nhất như vốn có của nó, nhưng đẹp hơn, sinh động hơn và quyến rũ hơn cái hiện thực mà ta nhìn thấy.
Cuộc sống, sự kiện diễn ra liên tục. Cái tài của nhà nhiếp ảnh là biết chớp lấy khoảnh khắc điển hình nhất, có sức biểu hiện cao nhất của dòng thác sự kiện. Quyết không bao giờ bắt sự kiện dừng lại để bấm máy. Nhân đây bàn về bức ảnh “Thầm lặng” – của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Diệp Đức Minh, đạt giải nhất cuộc thi ảnh triển lảm ảnh nghệ thuật toàn quốc “Chân dung con người Việt Nam hôm nay”, có người nói bức ảnh này được tác giả chụp thật 100% , không dàn dựng. Điều đó có thể đúng. Nhưng nhà nhiếp ảnh bấm máy vào khoảnh khắc không điển hình, không phải ở phút thăng hoa, cao trào của sự kiện.

Thầm Lặng - Ảnh: Diệp Đức Minh
Khoảnh khắc điển hình ở đây là người lính chửa cháy phải ở tư thế tay đi găng, miệng che khẩu trang, hai tay giữ chặt vòi, lúc nước phun ra cực mạnh nhằm thẳng vào đám cháy, mắt hướng vòi nước. Trên khuôn mặt mồ hôi nhễ nhại. Rất tiếc tác giả đã để mất “khoảnh khắc vàng” đó.
Nhắc lại bức ảnh nghệ sỹ Trần Tuấn chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp bắt tay nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ McNamara hơn 10 kiểu toàn cảnh hai người hớn hở “tay bắt mặt mừng”, duy chỉ có một kiểu độc nhất vô nhị là McNamara tay vẫn bắt nhưng mặt cúi xuống! Phải chăng ông cảm thấy ngượng, một vị tướng chỉ huy quân đội một cường quốc đã thất bại trước một dân tộc nhỏ bé? Nghệ sỹ Trần Tuấn đã “chộp” được khoảnh khắc điển hình đó. Bức ảnh “Thầm lặng”, chính vì mất đi khoảnh khắc vàng nên nhà báo Phương Nam viết trên báo “Văn nghệ trẻ”: “Bức ảnh nghệ thuật không phải là khoảnh khắc tạo ấn tượng thị giác, thậm chí còn bộc lộ dụng công kỹ thuật photoshop của tác giả, làm cho bức ảnh ‘nuột nà’ ”. Nhưng nếu như thế để nói đây là ảnh tiêu biểu “Chân dung con người Việt Nam hôm nay” thì quả là một sự áp đặt đến hài hước.
Nhiếp ảnh là một trong những hình thái ý thức xã hội, phản ảnh đời sống xã hội bằng phương pháp đặc thù của mình. Đời sống xã hội đổi thay, thì nghệ thuật nhiếp ảnh cũng thay đổi phù hợp với thời đại. Một nhà nhiếp ảnh không hiểu rõ về đời sống xã hội, thì khó thành công trong tư duy sáng tạo.

Quá khứ một triều đại - Ảnh: Nguyễn Quang Tuấn
Lấy thí dụ: Một nhà nhiếp ảnh nọ chụp mẻ thép ra lò. Để có bố cục, đường nét đẹp, tác giả đã nhờ công nhân uốn những thanh thép đó theo những đường ngoằn ngoèo, trông khá bắt mắt, với chú thích rất gợi mở “Đường nét công nghiệp”. Bức ảnh được ban giám khảo cho giải thưởng. Trong trường hợp này cả người chụp lẫn người thẩm định chỉ xuất phát từ cái gọi là “nghệ thuật” mà không chú ý đến thực tế sản xuất. Thực tế những thanh thép ra lò là những thanh thép thẳng. Họ quên quên đi một tiêu chí quan trọng “nếu nhiếp ảnh đánh mất hiện thực thì không còn là nhiếp ảnh, đó chỉ là trò chơi ánh sáng”.
Mọi hình thái ý thức xã hội đều phản ảnh hiện thực xã hội, dân tộc, đất nước. Nhưng mỗi hình thái ý thức xã hội có cách phản ảnh xã hội theo những đối tượng khác nhau và tạo ra những giá trị khác nhau. Triết học phản hiện thực khách quan một cách khái quát nhất bằng những quy luật chung nhất đối với tự nhiên, xã hội và tư duy. Tôn giáo phản ảnh xã hội qua hình tượng hoang đường. Nghệ thuật nhiếp ảnh phản ảnh hiện thực một cách trực quan, cụ thể, sinh động, trong đó tác giả kết hợp nhũng cái nhận thức được với cái đã đánh giá. Nói cách khác tác giả kết hợp được cái khách quan (hiện thực) với cái chủ quan (tư duy của tác giả) để hình thành nên tác phẩm.
Cái nhìn thấy chưa hẳn là hiện thực khách quan
Nghệ thuật nhiếp ảnh phản ảnh hiện thực cái nhìn thấy, sờ thấy. Nhưng không phải bất cứ cái gì nhìn thấy, sờ thấy đều là hiện thực khách quan. Chẳng hạn bức ảnh “Biển kết hoa” là một thực thể nhìn thấy, sờ thấy.

Biển kết hoa - Ảnh: Trần Vĩnh Nghĩa
Nhưng đó là của giả, không có trong thực tế sản xuất của các làng muối Việt Nam. Đó là sản phẩm của trí tưởng tượng tạo ra, là sự sắp đặt theo chủ quan của tác giả, mà không tìm hiểu về các công đoạn làm muối. Bức ảnh “Nguyện cầu”cũng là một sản phẩm bố trí giả tạo. Bởi bất luận tôn giáo nào (Công giáo hay Phật giáo, Cao Đài hay Hòa Hảo …) các tín đồ của họ muốn cầu nguyện đều có nơi có chốn linh thiêng. Các Phật tử muốn cầu nguyện đến đền chùa. Các tín đồ Công giáo muốn cầu nguyện đến nhà thờ, không thể cầu nguyện nơi lò gạch hoang phế (như tác giả công bố trên báo). Vì trên nóc lò gạch có hai thanh gỗ nằm chéo nhau tạo ra như chiếc thánh giá.
Tác giả dàn dựng tạo nên bức ảnh gây phản cảm, khiến người xem có thể suy luận rằng ở Việt Nam không có nhà thờ nên trẻ em vì kính Chúa đã phải ra lò gạch hoang phế để cầu nguyện. Một bức ảnh khác (trong triển lãm các tỉnh miền Đông Nam Bộ), tác giả bố trí một sư nữ trẻ (mặc áo nâu sòng, đầu chít khăn nâu), một tín đồ Phật giáo, đang chắp tay khấn trước tượng Chúa Giê su (biểu tượng của Công giáo ). Xem bức ảnh khiến người xem liên tưởng đến câu ca “ăn cơm chúa, múa sân đình ”. Đây là những việc làm thiếu suy nghĩ, nếu không muốn nói là có ý đồ không lành mạnh.
Còn bức ảnh “Thời gian ngừng lại ” mô tả một chiếc đồng hồ không có kim giây, không kim phút chỉ có kim giờ chỉ vào con số 12, treo trên bức tường loang lổ. Phía trước kê một chiếc bàn con, trên đặt một chiếc nồi trong đẻ con gà chết hai chân dóc ngược lên trời. Nếu nhớ lại bức ảnh này ra đời năm 1987, một năm sau Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) đề ra đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, chúng ta mới thấy hết nghịch lý của bức ảnh.
Ngoài ra còn có nhiều bức ảnh dàn dựng nhưng thiếu hiểu biết thực tế, khiến người xem không sao hiểu được. Chẳng hạn bức ảnh “Phơi bếp lò” (người viết tự đặt chú thích) xếp dày đặc bếp lò trên một khoảnh sân, ở giữa có một phụ nữ đang làm việc. Một câu hỏi đặt ra , sau khi làm xong công việc, bằng cách nào để người phụ nữ kia ra được, hay phải dùng đến cần cẩu? Quả là một sự sắp đặt khôi hài, ấu trĩ. Cũng theo mô típ ấy còn có phơi bánh tráng, phơi lá buông…
Ảnh lắp ghép

Điều quan trọng đối với loại ảnh là ý tưởng càng sâu, sức cuốn hút càng lớn
Không phải đến bây giờ có phần mềm photoshop mới có kỹ thuật lắp ghép ảnh. Từ xa xưa, bằng thủ công, các nhà nhiếp ảnh đã lắp ghép ảnh rất thành công như “Mùa lúa vàng ” của Trần Lợi, được huy chương vàng ở Bulgarie. Có hai loại ghép ảnh:
Loại thứ nhất, chụp một cảnh thật nhưng vì lý do nào đó không đạt yêu cầu nghệ thuật người ta phải lắp ghép một vài chi tiết vào, chẳng hạn lắp mây vào ảnh phong cảnh… Trong trường hợp này khi ghép ảnh phải tuân thủ các quy luật của nhiếp ảnh, đừng để xẩy ra nghịch cảnh như bức ảnh “Mùa xuân”, các chi tiết ở gần máy ảnh thì nhỏ ti xíu, những chi tiết ở xa máy ảnh thì to.
Còn trường hợp lắp ghép ảnh để tạo ra ảnh ý tưởng hay ảnh ý niệm, còn gọi là ảnh đồ họa, thì không cần quan tâm nhiều đên các luật phối cảnh, luật xa gần, đường chân trời… Điều quan trọng đối với loại ảnh là ý tưởng càng sâu, sức cuốn hút càng lớn. Loại hình này xuất hiện vào thập kỷ 20 của thế kỷ XX, với bức ảnh nổi tiếng: Tác giả chụp một con chim bồ câu trắng, bị một lưỡi lê cắm trên đầu khẩu súng trường đâm xuyên, đàng sau ghép tòa nhà Quốc hội phát xít Đức, phía trên, bên phải búc ảnh tác giả viết dòng chữ:
“Ở đâu có chủ nghĩa tư bản
Ở đó không có hòa bình.”
Ở Việt Nam trong những năm gần đây, lác đác trong các cuộc triển lãm đã xuất hiện loại ảnh này, gây được sự chú ý của công luận như bức “Thảm họa” hay “Trời có mắt”…
Theo Điện Tử Tiêu Dùng
Link to full article
No comments:
Post a Comment